Nhờ sự sáng tạo không ngừng nghỉ từ các nhà sản xuất xe máy, kể từ năm 1999, công nghệ mô-tô đã có những bước đại nhảy vọt, đem tới sự thoải mái, khả năng vận hành và sự an toàn chưa từng thấy trước đây.
Những chiếc xe dưới đây đã giúp thay đổi bộ mặt của thế giới mô-tô trong suốt 14 năm qua.
Và sau đây là những chiếc xe quan trọng nhất làm thay đổi thế giới mô-tô, được liệt kê một cách ngẫu nhiên, không theo một thứ tự nào:
1: Yamaha R6
Được giới thiệu vào năm 1998, R6 đã đập tan quan niệm của toàn bộ ngành công nghiệp xe máy về một mẫu sportbike cỡ trung. Tuy nhiên, những bước phát triển của chiếc xe sau năm 2000 mới là lý do chính khiến nó có mặt trong bài viết này.
R6 là chiếc sportbike 600 cc đầu tiên có công suất vượt quá mốc 100 mã lực ngay khi rời khỏi nhà máy - mức công suất được coi là mạnh mẽ ngay cả với những chiếc xe 1000 cc chỉ vài năm trước. Nó đã xóa nhoà khoảng cách giữa xe đua và xe dân dụng. Mỗi thế hệ R6 lại góp phần nâng các tiêu chuẩn cho dòng 600 cc lên một nấc mới. Nhờ R6, Yamaha đã luôn đi trước các đối thủ trong cả một thập kỷ.
2: BMW S1000RR
Từ năm 2008 trở về trước, BMW chỉ biết sản xuất những chiếc xe du lịch đường trường, xe địa hình nặng nề dành cho những người giàu có, và xe đua cho những đội muốn tham gia giải Dakar Rally. Hãng cũng đã từng thử nghiệm sản xuất xe thể thao với chiếc R1100S hay K1200S, tuy nhiên chúng chưa bao giờ có thể cạnh tranh nghiêm túc với các đối thủ từ Nhật Bản.
Mọi việc đã thay đổi khi BMW ra mắt S1000RR, một "quả tên lửa" 193 mã lực nhằm thẳng vào phân khúc superbike. S1000RR được thiết kế theo phong cách rất "dị" thường xuất hiện trên những chiếc xe máy của BMW, nhưng cả khả năng vận hành lẫn các công nghệ được tích hợp trên nó đều ở một đẳng cấp khác biệt mà các đối thủ phải mất vài năm sau mới có thể bắt kịp.
3: MotoCzysz E1PC
Nếu như xếp hạng danh sách này, MotoCzysz E1PC có thể dễ dàng chiếm lấy vị trí số 1. E1PC không phải là chiếc xe đua chạy điện đầu tiên được chế tạo, nhưng nó là chiếc xe đua chạy điện đầu tiên trông giống phim khoa học viễn tưởng hơn là một dự án khoa học. Với sự điều khiển của tay đua Mark Miller, E1PC đã giành chiến thắng tại cuộc đua tốc độ cao khốc liệt Isle of Man TT trong năm 2010, và lặp lại thành tích này trong 2 năm tiếp theo với Miller và Michael Rutter. Tay đua Rutter đã phá kỷ lục tốc độ với chiếc xe vào năm 2012, khi anh đạt tốc độ trung bình 167,37 km/h cho mỗi vòng đua.
MotoCzysz E1PC là chiếc xe đầu tiên chứng minh được rằng xe điện cũng có thể có kiểu dáng đẹp mắt, đạt tốc độ cao và có thể cạnh tranh với xe sử dụng nhiên liệu truyền thống. Nó khiến các nhà sản xuất xe lớn phải chú ý, và có thể sẽ góp phần làm thay đổi toàn bộ thế giới xe máy trong tương lai.
4: Aprilia RSV4
RSV4 là chiếc xe đưa tên tuổi của Aprilia nổi tiếng trở lại trên đường đua. Trước đó, hãng chỉ được biết đến bởi việc sản xuất ra những chiếc xe cực đẹp nhưng yếu đuối và rất đắt tiền. Kể từ khi Moto GP chuyển sang sử dụng xe 4 kỳ từ 2 kỳ, hãng đã không còn thành công trên đường đua. RSV4 đã thay đổi tất cả những điều đó (ngoại trừ việc nó vẫn đắt tiền), giành chức vô địch World Superbike 2010 với tay đua Max Biaggi, dù đây mới chỉ là mùa giải thứ 2 nó tham gia.
Trên đường phố, Aprilia khiến các nhà sản xuất khác "đau đầu" vì gần như đã đem một chiếc xe đua Moto GP ra ngoài đường công cộng. Tuy nhiên quan trọng hơn, nó là động lực giúp hãng đi đúng hướng sau nhiều năm gặp khó khăn.
5: Yamaha YZ250F
Trong bộ môn đua xe địa hình Motocross, người ta nói rằng những chiếc xe trang bị động cơ 4 thì chỉ là "đồ chơi", chỉ có thể thành công nếu như có dung tích lớn, quá nặng nề và số vòng tua máy thấp. Sau đó Yamaha đã tung ra chiếc YZ250F, và tất cả đều ngạc nhiên khi những chiếc xe 2 kỳ 125 cc trở nên lạc hậu trước nó.
Khối động cơ250 bé nhỏ của YZ250F có thể đạt tới số vòng tua khổng lồ 14.000 rpm, nó không nặng hơn nhiều so với xe 125 cc, và tạo ra mô-men xoắn trong gần như bất kỳ hoàn cảnh nào. Dù những thế hệ đầu tiên rất khó khởi động, nhưng YZ250F vẫn hoàn toàn làm thay đổi bộ môn motocross kể từ khi nó xuất hiện.
6: Harley Davidson V-Rod
Khi một nhãn hiệu giàu tính lịch sử như Harley Davidson tạo ra một thứ gì đó khác với những mẫu xe truyền thống của hãng, chắc chắn nó sẽ thu hút được sự chú ý của mọi người, theo một cách tiêu cực. Tuy nhiên khi chiếc V-Rod xuất hiện vào năm 2001, rõ ràng H-D đã có một quyết định đúng đắn.
Thế hệ VRSC V-Rod đầu tiên có thiết kế dài, thấp và dữ dằn. Động cơ Revolution của nó được chế tạo với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Porsche, làm mát bằng nước, phun nhiên liệu điện tử và thực sự có khả năng tạo ra công suất lớn. Khi đua drag, nó nhanh một cách khó tin, và cũng không có giá quá đắt. Nói tóm lại, V-Rod hoàn toàn không giống bất kỳ chiếc xe nào Harley Davidson từng sản xuất trong vài thập kỷ, và nó giúp đưa thương hiệu này tới thế hệ khách hàng mới trẻ hơn.
7: Honda RC211V
Khi Moto GP chuyển sang sử dụng xe 4 kỳ 990 cc từ loại 2 kỳ 500 cc vào mùa giải 2002, nhiều người hâm mộ đã tỏ ra tiếc nuối. Tuy nhiên khi chiếc RC211V xuất hiện trên đường đua, họ đã hoàn toàn quên điều đó.
Chiếc xe đua của Honda nhanh không thể tin nổi, ồn ào, và không dễ để điều khiển khi chưa có những công nghệ hiện đại như hiện nay. Với RC211V, Valentino Rossi đã về nhất ở 11/16 chặng đua, và giành chức vô địch mùa giải 2002 với 140 điểm. Ở mùa giải sau, Honda đã tăng công suất động cơ lên thêm 40 (!) mã lực, và nếu như Rossi không đầu quân cho Yamaha, RC211V đã có thể hoàn toàn thống trị thời kỳ 990 cc.
8: Suzuki SV650
Trong khi toàn bộ ngành công nghiệp xe máy tập trung để tạo ra những chiếc xe ngày càng nhanh, nhẹ và phức tạp thì Suzuki lại tung ra một chiếc naked bike giản dị, không cầu kỳ.
SV650 không nhanh, đắt, hiếm hay hiện đại, xét về mọi mặt. Tuy nhiên nó lại có giá rẻ, dễ mua, dễ sửa, dễ lái và tiềm tàng nhiều khả năng. Nó có thể thực hiện mọi việc bạn yêu cầu, từ những chuyến du lịch đường dài tới đường đua mà chỉ cần một chút sửa đổi nhẹ. Trong nhiều năm, SV650 là "ông vua không ngai" của phân khúc xe dành cho người mới chơi PKL, hồi sinh dòng naked bike từ Nhật, và "thổi lửa" lại cho các thể thức đua xe với trọng lượng nhẹ và động cơ 2 xi-lanh tại Mỹ.
9: Ducati 1098
Mặc dù chiếc 999 gây tranh cãi giành được khá nhiều thành công tại các giải đua, nhưng nó không được nhiều fan Ducati ưa thích. Bộ quây gió của nó có thiết kế quá "Nhật", nó sử dụng gắp đôi thay vì gắp đơn và thiếu đi sức hấp dẫn của thế hệ 916 trước đó.
Vào năm 2007, ngay cả chiếc 999 đã được cải tiến vẫn bị các đối thủ đánh bại trong các cuộc thi đấu, với công suất thấp hơn tới 20 mã lực. Ducati đã ghi nhận những nhược điểm đó để có thể tạo ra chiếc 1098 nhanh, đẹp, sexy và đậm chất Ducati. Với Casey Stoner cầm lái, 1098 đã vô địch Moto GP mùa giải 2007, khiến cho tên tuổi của Ducati trở nên nổi tiếng chưa từng thấy. Năm 2008 và 2011, 1098 đã cùng với Troy Bayliss và Carlos Checa giành chức vô địch World Superbike.
10: Kawasaki Ninja H2/H2R
Để phát triển Ninja H2, toàn bộ các chi nhánh của tập đoàn Kawasaki đã được huy động. Công ty hàng không Kawasaki đã chịu trách nhiệm thiết kế ra kiểu dáng khí động học của xe, với toàn thân làm bằng sợi carbon và các cánh khí động học giúp chiếc xe ổn định ở tốc độ cao mà không cần phải gia tăng chiều dài. Hiện nay, Ninja H2R đang giữ danh hiệu chiếc mô-tô mạnh nhất từng được chế tạo bởi Kawasaki. Cung cấp sức mạnh cho xe là khối động cơ 4 xi-lanh 998 cc làm mát bằng nước, kết hợp cùng một bộ siêu nạp được cung cấp bởi công ty công nghiệp nặng Kawasaki. Theo Kawasaki, Ninja H2R có công suất khoảng 300 mã lực. Để có thể chịu nổi sức mạnh này, gắp đơn và bộ khung Trellis dạng thép ống đã được sử dụng. Tốc độ tối đa của chiếc xe ít nhất đạt 320 km/h
Trong khi đó, H2 là phiên bản có thể được sử dụng trên đường phố của H2R, với động cơ tương tự nhưng được giảm công suất xuống còn 200 mã lực. Chúng là những người tiên phong trong việc sử dụng các giải pháp nạp khí cưỡng bức trên mô-tô để tạo ra công suất lớn hơn và thân thiện với môi trường hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét