Chi phí nghiên cứu và phát triển cho dòng xe này đã tiêu tốn của Mercedes khoảng 960 triệu USD. Chỉ tính riêng trục sau, đã có tới 8 thiết kế cơ bản được đề xuất với hơn 70 phiên bản khác nhau. Trong số này, chỉ có khoảng 1/3 số thiết kế được đưa vào sản xuất thử nghiệm. Chi phí dùng để sản xuất một chiếc xe thử nghiệm với các chi tiết chính là khoảng 260.000 USD. Trong khi đó, mỗi chiếc xe thử nghiệm hoàn thiện có giá lên tới 1,26 triệu USD!
Ít ai biết rằng, Mercedes phải mất hơn 50 năm để C-Class chính thức ra đời. Chi phí phát triển dòng xe này là những con số khổng lồ...
Phần I: Ý tưởng và quá trình phát triển
Ý tưởng về một mẫu xe cỡ nhỏ với đầy đủ các công nghệ, độ tiện nghi và tính năng an toàn như những dòng xe cỡ lớn, cao cấp hơn đã được manh nha từ rất lâu trong thế giới xe. Tiên phong trong việc nghiên cứu và phát triển phân khúc xe này là tập đoàn Daimler-Benz từ những năm 1931 với các mẫu xe như 170 (W15-series); 170V (W136-series) năm 1936; W122-series năm 1950… Nhưng cú hích thực sự của tập đoàn cho dòng xe này lại bắt đầu vào khoảng năm 70 của thế kỷ trước.
Thế giới chứng kiến cuộc khủng hoảng dầu lửa năm 1973 khiến nhu cầu của thị trường về những mẫu xe có hàm lượng khí thải, mức tiêu thụ nhiên liệu thấp trở lên tăng vọt, đặc biệt tại thị trường Bắc Mỹ. Dự án về mẫu xe cỡ nhỏ trong quá khứ được lật lại, Mercedes-Benz quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu này bằng dự án mới mang tên W201 vào năm 1974.
Phe ủng hộ cho rằng công ty có thể sản xuất một chiếc xe cỡ nhỏ nhưng vẫn đem tới nhiều trang thiết bị an toàn, độ tiện nghi cao và khả năng vận hành đậm chất Mercedes-Benz. Nhưng ở chiều ngược lại, phe bảo thủ lại lo sợ rằng mẫu xe cỡ nhỏ sẽ làm mất đi hình ảnh và sự đẳng cấp vốn có của thương hiệu.
Kết quả là 4 năm sau, dưới sức ép của nhu cầu thị trường, dự án W201-series chính thức được bật đèn xanh. Đây được coi là một trong những quyết định quan trọng nhất từng được ban lãnh đạo Mercedes thông qua. Giáo sư Werner Breitschwerdt – Kỹ sư trưởng của Mercedes lúc đó và sau này trở thành Chủ tịch ban quản trị Daimler AG nhớ lại vào năm 2000: “Vào những năm 70, điều này (ý tưởng về xe cỡ nhỏ) đột nhiên trở thành đề tài nóng vì những quy định khí thải ngặt nghèo của Mỹ. Chính vì vậy, một dòng xe cỡ nhỏ mới là một ý tưởng rất tốt”. Một điểm thuận lợi nữa khiến kế hoạch này được chấp nhận đó là nhu cầu của những khách hàng đã sở hữu một chiếc sedan Mercedes cỡ lớn. Họ muốn một chiếc xe thứ hai, nhỏ gọn hơn nhưng không muốn mất đi sự an toàn, tiện nghi và sang trọng vốn có.
Ngoài ra, Mercedes cũng muốn mở rộng thị phần bằng việc giới thiệu thêm một dòng xe với kích thước nhỏ. Hãng muốn thương hiệu Mercedes trở nên hấp dẫn và thu hút những khách hàng mới, cụ thể hơn là thế hệ trẻ. Ông Gerhard Prinz – Chủ tịch Ban quản trị Daimler-Benz vào năm 1982 cho biết: “Với việc bổ sung thêm một dòng xe hoàn toàn mới, Mercedes-Benz đã tiến thêm một bước lớn trong việc mở rộng dòng sản phẩm xe dân dụng. Điều này giúp chúng tôi chạm vào những cơ hội mới trên thị trường, và cung cấp những model hấp dẫn cho một lượng khách hàng lớn hơn, đa dạng hơn. Sau một số năm dồn toàn lực cho các dòng xe sang trọng, chúng tôi đã đặt nền móng để tạo ra một dòng sản phẩm lớn với nhiều dòng xe khác nhau”.
Và những ‘viên gạch’ đầu tiên của dòng xe C-class đã được đặt như thế...
Trong quá trình phát triển sản phẩm, Mercedes đã tạo ra một số lượng khổng lồ các xe chạy thử nghiệm. Quá trình bắt đầu với 25 mẫu xe dùng để thử nghiệm các chi tiết chính khác nhau, chẳng hạn như hệ trục các-đăng. Sau đó, 53 chiếc xe thử nghiệm được lắp ráp hoàn toàn bằng tay được dùng để kiểm tra tổng thể. Cuối cùng là 40 chiếc được chế tạo hoàn thiện.
Ông Joachim-Hubertus Sorsche – Giám đốc bộ phận Phát triển xe dân dụng của Mercedes lúc đó đã đặc biệt ghi nhận sự “cẩn thận tới từng chi tiết nhằm tạo ra một chiếc xe hoàn hảo”. Toàn bộ quá trình phát triển và thử nghiệm qua 5 triệu km với vô số lần chạy thử trên máy đo đã theo sát đội ngũ thiết kế. Sự cố gắng không ngừng nghỉ cho tới khi từng chi tiết nhỏ nhất vận hành hoàn hảo trong toàn bộ dự án; sự chú ý tới từng tiểu tiết cho tới khi ngay cả các kỹ sư và nhà thiết kế khó tính nhất cũng phải cảm thấy thoả mãn – đó là những gì đã định nghĩa lên mẫu xe mới này, và biến nó trở thành một chiếc Mercedes thực thụ.
Thế hệ C-Class đầu tiên được chính thức ra mắt vào năm 1982. Các kỹ sư đã tạo ra được một thứ đặc biệt, xứng đáng có một vị trí danh giá trong lịch sử của ngành công nghiệp ô tô: mọi thông số kỹ thuật cần phải có trên một chiếc Mercedes đều đã được đáp ứng. Chiếc xe mới có khả năng điều khiển xuất sắc, độ tiện nghi tốt hơn tiêu chuẩn của phân khúc, các tính năng an toàn chủ động và bị động vượt trội với mức tiêu thụ nhiên liệu, cũng như hàm lượng khí thải thấp. Catalogue của C-Class vào năm 1983 đã tóm tắt chính xác về chiếc xe: “Model mới này đã thành công trong việc lần đầu tập trung những công nghệ đỉnh cao và chất lượng của Mercedes vào trong một chiếc xe cỡ nhỏ - không có thiếu sót, không hề có sự cắt giảm chi phí".
Một câu hỏi thường gặp đối với C-Class đó là vì sao chiếc xe lại không sử dụng hệ dẫn động cầu trước? Có hai lý do dẫn tới quyết định này.
Thứ nhất, nếu sử dụng hệ dẫn động cầu trước với kiểu động cơ đặt ngang sẽ giới hạn khả năng trang bị các phiên bản động cơ và hệ truyền động khác nhau cho xe. Thứ hai, bộ phận phát triển muốn tách rời hệ truyền động và chức năng lái (bánh trước chỉ có nhiệm vụ dẫn lái, bánh sau chỉ có nhiệm vụ cung cấp lực đẩy) để có thể dễ dàng cân chỉnh trục trước/ sau và đem tới khả năng vận hành cũng như cảm giác lái ưu việt nhất.
Phần II : Các thế hệ dòng xe C-Class
(còn tiếp...)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét